Người Viking tại Anh và Ireland Thời_đại_Viking

Một chiếc thuyền của người Viking

Các chuyến đi đầu tiên

Khi người Viking tới cướp phá "đảo Lindisfarne", họ đã chiếm được nhiều của cải chiến lợi phẩm, nên đã nhòm ngó nước Anh. Nước này trước năm 760 bị chia thành nhiều vương quốc nhỏ, nhưng mọi sự đã thay đổi khi Offa lên làm vua Mercia năm 757. Trong thời gian dài nắm quyền, ông ta đã chinh phục phần lớn nước Anh, nên tới khi chết, thì ngoài Mercia, ông ta cũng làm vua vùng Kent, Sussex, WessexEast Anglia. Sau khi Offa chết, các vua liên tục kế thừa nhau, nhưng đều yếu kém và không ai cai trị được lâu.

Sau cuộc tấn công đầu tiên vào "đảo Lindisfarne" năm 793, người Viking bắt đầu nhòm ngó các tu viện của Anh, thời đó có nhiều báu vật. Offa cũng là vị vua nước Anh đầu tiên đúc tiền bằng bạc mà người Viking cho là có giá trị lớn.

Việc chinh phục và rút lui

Từ năm 793 tới khoảng năm 850, người Viking đã tấn công và chiếm đóng nước Anh. Năm 870 người Viking đã chiếm được East Anglia, Northumbria và Mercia. Vương quốc Wessex lúc bấy giờ do vị vua trẻ Alfred cai trị (sau này được gọi là Alfred đại đế). Lúc đầu, người Viking thắng và chiếm giữ phần lớn Wessex, nhưng dù bị áp lực lớn, Alfred cũng không đầu hàng. Cuối cùng ông ta thắng người Viking trong trận Cannington (nay là EdingtonWiltshire), sau đó họ đi tới thỏa hiệp chia đôi nước Anh. Người Viking được phần gọi là Danelagen (tiếng Anh: Danelaw), nay là phía bắc và phía đông Anh, gồm East Anglia, Northumbria, ½ phía đông của Mercia và phần lớn Essex. Alfred chiếm ½ phía tây Mercia, Kent, Sussex, Wessex và Wales.

Dần dần người Viking tập họp thành các hạm đội lớn, chiếm giữ các căn cứ địa phương, từ đó có thể xuất phát cướp phá các vùng lân cận. Đôi lần các hạm đội này quá mạnh đến nỗi họ có thể đòi sự đóng góp của cải của dân chúng, cái mà họ gọi là Danegæld (món nợ người Đan), để thôi không bị cướp phá.

Người Viking cướp phá các tu viện ở vùng bờ biển phía tây Ireland năm 795. Trong vòng 40 năm họ đã liên tục cướp phá vùng bờ biển phía bắc và phía đông. Từ năm 840, họ đặt các căn cứ thường trực tại bờ biển Ireland. Năm 888, hạm đội Viking tiến vào sông Liffey ở phía đông Ireland, họ lập một căn cứ mà người Ireland gọi là Longphort, căn cứ này cuối cùng trở thành thành phố Dublin. Người Viking cũng đặt các căn cứ tại Cork, Limerick, WaterfordWexford. Một trong các trận đánh lớn cuối cùng mà người Viking tham gia ở Ireland là trận Contarf ngày 23.4.1014, giúp vua vùng LeinsterMáel Morda mac Murchada, nhưng bị thất bại. Cuối cùng họ phải quay về Anh và Scotland.

Trong thế kỷ thứ 10, Đan Mạch trở thành một vương quốc với quyền lực trung ương mạnh. Vua Đan Mạch Svend Tveskæg (Svend râu ngạnh) chinh phục nước Anh năm 1013 và đặt nền móng cho một đế quốc ở vùng Bắc Hải gồm Đan Mạch, Anh, Na Uy và một phần Thụy Điển[2][3] tồn tại tới khi người con của ông ta là Knud đại đế (Knud II, tiếng Anh là Canute the Great, khoảng 995 - 1035) kế nghiệp từ năm 1016 tới khi chết, năm 1035.

Năm 1066, nước Anh bị nhà quý tộc xứ NormandieWilhelm người chinh phục (William the Conqueror, cũng là hậu duệ người Viking Đan Mạch) xâm chiếm. Năm này - sau trận chiến Stamford Bridge ngày 25.9.1066 - kết thúc thời đại Viking.

Ảnh hưởng của người Viking tại Anh và Ireland

Việc chiếm cứ nước Anh và Ireland đã để lại dấu ấn trên văn hóa của hai nước này. Dù người Viking định cư tại đây đã nhanh chóng đồng hóa với dân địa phương, họ cũng đã đem theo các bản sắc văn hóa của mình và ảnh hưởng của nó ngày nay vẫn có thể tìm thấy, ít nhất là trên phương diện ngôn ngữ. Nhiều từ ngữ tiếng Anh được phái sinh từ các từ cổ Bắc Âu, trong đó có thể thấy rõ ở các tên địa danh. Trên 15.000 địa danh gốc ngôn ngữ Scandinavian, đặc biệt ở YorkshireLincolnshire. Ở York, thủ đô cũ của người Viking, nhiều đường phố tận cùng bằng -gate (xuất xứ từ tiếng Đan gade = đường phố). Ở miền bắc Anh nhiều thành phố nhỏ và làng nông thôn có tên tận cùng bằng -dale, -ness, -beck, -thorpe, -toft vv..., riêng vĩ ngữ -by có hơn 600 địa danh, vd. Grimsby, Naseby... Nhiều từ ngữ khác cũng có nguồn gốc từ tiếng Đan như skirt, sky, skin, score, landing, beck, fellow, birth, cake, fog, gasp, law, neck, sister, seat, smile, window...

Nhiều tên người có nguồn gốc từ tiếng Scandinavian như Crystal, David...

Tại Tây Âu

Các cuộc viễn chinh cướp bóc của người Viking tới tận vùng Địa Trung Hải. Năm 808, vua Đan Mạch Godfred cướp phá thương trấn Reric của người Sachsen khiến vua Charlemagne vội vã động viên một lực lượng lớn để phản công, Godfred rút lui. Đến năm 810 Godfred lại gửi 200 chiến thuyền tới cướp phá vùng Friesland (nay thuộc Hà Lan), sau đó Godfred bị thủ hạ giết, Hemming người kế vị liền ký hòa ước với Charlemage và rút quân về. Năm 845, người Francs tìm cách dụ người "Obotrites" về phe mình, vua Đan Mạch Horik đáp lại bằng cách thiêu hủy thành phố Hamburg và sai Regnar Lodbrog đem một đội quân khoảng 5.000 người theo sông Seine, tiến vào cướp phá Paris. Trong thập niên 860, họ lại cướp phá 3 lần nữa. Ngày 25.7.864 Charles II hỗn danh Charles đầu hói được coi là vua Pháp đầu tiên, đã phải ban hành chỉ dụ ở Pistres (Edict of Pistres) cho xây một cầu thấp tại đây (nay là Pitres) và hai cái tại Paris (ile de la Cité) để phòng thủ, không cho chiến thuyền của người Viking đi qua. Năm 885 Sigfred, lãnh tụ người Viking Đan Mạch đòi Charles nộp cống vật nhưng bị từ chối, Sigfred liền dẫn 700 chiến thuyền chở hơn 30.000 người tiến theo sông Seine tới vây hãm Paris trong 11 tháng và đánh phá các vùng lân cận, nhưng không chiếm được Paris và rốt cuộc phải rút lui. Năm 911, tù trưởng Viking là Rollo tới cướp phá tàn bạo đến nỗi vua Charles III phải nhượng khu vực quanh cửa sông Seine (sau này là vùng Normandie) cho ông ta, Rollo cải theo đạo Công giáo, hứa chống lại các người Viking khác và lập thủ phủ ở Rouen. Những người kế nghiệp Rollo mở rộng bờ cõi lớn gấp đôi. Năm 1050, người Viking định cư tại Normandie là Roger đem quân xuống miền Nam Ý và đảo Sicilia đánh thắng người Hồi giáo và lên làm vua vùng này. Năm 1066, Wilhelm người chinh phục (William the Conqueror, hậu duệ người Viking Đan Mạch) từ Normandie đem quân sang Anh đánh bại vua Anh Harold Godwinson tức Harold II và lên làm vua nước Anh. Năm này kết thúc thời đại Viking.

Tại Bắc Đại tây dương và đông bắc châu Mỹ

Người Viking Na Uy tiến về phía tây bắc, họ đã phát hiện và chiếm các quần đảo Shetland, Orkney, quần đảo Faroe, đảo Iceland và đảo Greenland

Khoảng năm 986 Bjarni Herjólfsson phát hiện ra Bắc Mỹ và Leif Ericson (970 - 1020) đã đổ bộ vào một địa điểm ở Bắc Mỹ mà ông ta gọi là Vinland (vùng đất trồng nho), nay là l'Anse aux Meadows, chỏm cực bắc đảo Newfoundland (Canada)

Tại đông và nam châu Âu

Người Viking Thụy Điển (tiếng Thụy Điển là Varjag, tiếng Nga là Varyag) đã tiến sang phía Đông rồi phía Nam, xuyên qua khu vực nay là nước NgaUkraina ở thế kỷ thứ 9 và thứ 10, chủ yếu là buôn bán và đánh thuê. Họ đã đi qua hệ thống sông vùng Gardanki, tới biển CaspiConstantinople. Họ định cư tại Aldeigja gần hồ Ladoga trong thập niên 750.

Từ năm 839, các người Varjag đã làm lính đánh thuê, phục vụ đế quốc Byzantin, nhất là vua Na Uy Harald Hardrada (Harald II Sigurdsson 1015 - 1066) đã chiến đấu tại Bắc Phi, Jerusalem và nhiều nơi khác ở Trung Đông.

Năm 862 các bộ tộc Fennicngười Slav nổi lên chống lại người Varjag, đuổi họ trở về vùng Scandinavia, nhưng sau đó 2 bộ tộc này lại xung đột với nhau và họ phải mời người Varjag trở lại để hòa giải và lập lại trật tự. Người Varjag do Rurik và hai người em TruvorSineus đến đóng quân tại Holmgard gần Novgorod (Nga). Thế kỷ thứ 9, các người Viking Thụy Điển mở đường buôn bán dọc sông Volga, nối miền bắc Nga với vùng Trung Đông.

Năm 882, Oleg Helge (biệt danh Oleg Novgorod) - người kế vị Rurik - đã chiếm Kiev và lập ra vương quốc Kiev.

Triều đại Rurik thống trị phần lớn nước Nga gần 750 năm, từ năm 862 tới năm 1598.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thời_đại_Viking http://e-tidsskrifter.dk/ojs/index.php/historiskti... http://img.kb.dk/tidsskriftdk/pdf/hto/hto_12rk_000... http://img.kb.dk/tidsskriftdk/pdf/hto/hto_12rk_000... http://img.kb.dk/tidsskriftdk/pdf/hto/hto_13rk_000... http://www.mnh.si.edu/vikings/ http://www.denmark.net/denmark-guide/danish-viking... http://www.heimskringla.no http://www.bbc.co.uk/history/ancient/vikings/ http://www.royal.gov.uk/HistoryoftheMonarchy/Kings... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Viking...